Phần I: Lý Thuyết
Tóm tắt:
Phần lý thuyết này mô tả sự phát triển và hình thành của dịch thuật học từ thời cổ đại ở Châu Âu đến nay, lấy trường phái Đức làm ví dụ. Lúc ban đầu các dịch giả luôn phân vân giữa việc dịch hoặc ad verbum (sát từ) hoặc ad sensum (sát nghĩa). Trong những thời kỳ sau dưới ảnh hưởng của việc nghiên cứu các nhà khoa học, triết gia như Schleiermacher, von Humboldt, Benjamin v.v. yếu tố văn hóa trong dịch thuật được coi ngày càng quan trọng và dịch giả văn học không những cần phải có sự hiểu biết về ngôn ngữ và lý luận dịch thuật mà còn phải hiểu rõ về văn hóa, lịch sử, xã hội cũng như lý thuyết văn học, văn học so sánh, ngôn ngữ học và phương pháp dịch. Từ đó dịch thuật học đã trở thành một bộ môn được dậy ở rất nhiều đai học khắp mọi nơi thế giới.
Từ khóa: dịch thuật, dịch thuật học, lý thuyết dịch thuật, văn học, lý luận văn học, ngôn ngữ học, văn hóa học.
Abstract:
This theoretical part of the paper describes the development and formation of translation studies from ancient times until now, taking the German school as an example. In the beginning the translator always had to decide to translate between ad verbum (close to the meaning of the word) or ad sensum (literally). In the later period under the influence of scientists and philosophers such as Schleiermacher, von Humboldt, Benjamin etc. cultural factors in translation were considered increasingly important and the literary translator not only needed to have an understanding of language and translation theories, but also had to understand the culture, history, society as well as literary theory, comparative literature, linguistics and translation methods. Since then, translation studies have become a subject being taught in many universities all over the world.
Key words: translation, translation studies , translation theory, literature, literary theory, linguistics, cultural studies.
Lời Mở Đầu
Năm 2005 NXB Văn Hóa Sài Gòn cho phát hành tập Thơ Thiền Lý Trần tuyển chọn do nhà thơ Nguyễn Duy làm chủ biên [1]. Tập thơ gồm 30 bài do các thiền sư, quốc sư và nhà vua sáng tác từ thế kỷ X đến thế kỷ XV. Những bài thơ trong tập được chọn và thực hiện dựa trên văn bản gốc là công trình nghiên cứu kéo dài 20 năm Thơ Văn Lý Trần (3 Tập), được in và xuất bản năm 1977 - 1978, do GS. Nguyễn Huệ Chi làm chủ biên [2].
Năm 2006 nhà thơ Nguyễn Duy nhờ tác giả bài này dịch 30 bài thơ trong tập Thơ Thiền Lý Trần sang tiềng Đức. Vì nhiều lý do khách quan, đến năm 2013 bản dịch mới được xuất bản dưới tên Der Körper des Menschen gleicht einem Blitz. Zen-Gedichte und –Weissheiten aus Vietnam [12].
Dịch văn đòi hỏi kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực. Trong bài này chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề về việc nghiên cứu và dịch thơ cổ điển Việt Nam, từ phương pháp nghiên cứu đến cơ sở lý luận và thực tiễn. Bài này chia ra hai phần: Phần Lý Thuyết và Phần Ứng Dụng. Trong phần lý thuyết chúng tôi xin giới thiệu cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu cũng như đôi nét về sự hình thành của khoa học dịch thuật. Trong phạm vi cho phép bài này không thể giới thiệu tất cả các trường phái dịch thuật của thế giới được mà chỉ tập trung một vài khía cạnh lý thuyết nhất định. Từ đầu thời trung cổ ở Châu Âu, việc dịch văn từ tiếng Hy Lạp và tiếng La-Tinh đã phát triển sớm, nhưng nhanh và mạnh mẽ nhất là nước Đức do phần lớn học giả chịu ảnh hưởng của tư tưởng phục hưng và nhân văn. Nhiều dịch giả cổ đại của Đức bấy giờ cũng đưa ra những ý kiến về việc dịch thuật. Trên cơ sở đó, sang thế kỷ XVIII và XIX, các dịch giả đã bước đầu xây dựng lý thuyết dịch thuật văn học hiện nay. Trong lĩnh vực dịch thuật có nhiều trường phái và dịch giả được giới học thuật chú ý như Susan Bessnet (Anh), Antoine Berman (Pháp), Jeremy Munday (Anh), Thúy Toàn (Việt Nam), George Steiner và Lawrence Venuti (Mỹ)… Gần đây ở Việt Nam cũng có một số bài giới thiệu dịch thuật từ nhiều góc độ khác nhau góp phần “đổi mới” lý luận và phê bình trong lĩnh vực này, như bài “Dịch và lý thuyết dịch như một hệ hình lý luận, phê bình mới cho Việt Nam” của hai tác giả Phạm Quốc Lộc và Lê Nguyên Long [4], hoặc “Dịch và đại tự sự” của Phạm Quốc Lộc [3] và “Lý luận và dịch thuật hậu thực dân” của Nguyễn Thị Minh Thương [5]. Chúng tôi xin bình luận và giới thiệu trong những bài viết sau.
Cơ Sở Lý Luận – Phương Pháp Nghiên Cứu
Cho đến nay, giới dịch thuật đều cho rằng, dịch văn vừa là nghề thủ công, vừa là nghệ thuật [18]. Thủ công ở đây được hiểu là người dịch văn phải có “tay nghề cao” đòi hỏi sự am hiểu các lĩnh vực sau:
a) Lý luận văn học, khả năng phân tích và bình luận tác phẩm văn học;
b) Ngôn ngữ học, lý luận dịch thuật, lý luận dịch thuật học;
c) Văn hóa học: Sự hiểu biết sâu sắc về nền văn minh của nguyên tác (của tác phẩm và tác giả) và nền văn minh bản dịch;
d) Trình độ rất cao về ngôn ngữ nguyên tác và bản dịch;
e) Cách xử dụng “công cụ” phục vụ dịch thuật, như từ điển các loại, gồm dụng cụ trợ giúp trên mạng internet v.v.
Còn nghệ thuật có nghĩa là dịch giả không chỉ là người chuyển ngữ một tác phẩm nhất định nào đó sang một ngôn ngữ khác một cách đơn thuần, mà còn là người tái sáng tạo tác phẩm đó phù hợp với quan niệm và gu thưởng thức người đọc mà tác giả muốn chuyển ngữ sang.. Điều này được nhiều nhà khoa học kiêm dịch giả khẳng định. Dịch giả văn học Nga, Thúy Toàn, viết:
“Dịch văn học là loại hình sáng tạo nghệ thuật – tái tạo một tác phẩm tương tự ở một ngôn ngữ mới.”[6, tr. 133] Cho nên: “Bản dịch văn học và nguyên tác là hai tác phẩm sáng tạo độc lập – nguyên bản mãi mãi là nguyên bản và bản dịch mãi mãi là bản dịch. Nó hoàn toàn khác với nghề sao chép tranh,…” [6, tr. 133]
Triết gia, nhà Hán học và dịch giả văn học người Đức Wolfgang Kubin còn gọi bản dịch văn học là nguyên tác, vì quá trình sáng tạo nghệ thuật như là quá trình sinh đẻ. Wolfgang Kubin cũng như Thúy Toàn đều cho là dịch văn khác hẳn nghề sao chép tranh. Tác phẩm dịch thuật là con đẻ của chính người dịch:
“Der Übersetzer ist so eigen mit seinem Kind, weil er weiß, das dieses Kind ein Original, sein Original ist. Also kein Abbild...” [18, tr. 35] (“Dịch giả và con đẻ của mình là ruột thịt của nhau, vì dịch giả biết con mình là nguyên tác, là nguyên tác của riêng mình. Cho nên nó không phải là tranh sao chép…”) Tuy nhiên, để hình thành một hệ lý luận, một quan niệm về bộ môn khoa học cần phải trải qua một quá trình thể nghiệm.
Trước đây trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng, đa số dịch thuật vẫn bị xem thường và thậm chí còn cho việc dịch văn là thứ nghề dễ dàng, ai cũng làm được. [6, tr. 22; 18, tr. 7-9]. Đây là ngộ nhận đáng tiếc. Thực ra Dịch Văn Học là một môn khoa học thực thụ được hình thành từ thời cổ đại đến nay bởi vì đấy là một sự kết hợp khoa học tinh tế giữa các bộ môn văn học, ngôn ngữ – dịch thuật học và văn hóa học cũng như nghệ thuật. Bộ môn này được khẳng định bởi vì quá trình phát triển trong lịch sử của nó.
Đôi Nét Về Sự Hình Thành Lý Thuyết Dịch Văn Và Phê Bình Dịch
- Thời Cổ Đại
Ngay từ khi xuất hiện hai nhóm tộc người hoặc hai bộ tộc có ngôn ngữ riêng gặp nhau đã nảy sinh nhu cầu giao lưu – giao tiếp với nhau, vai trò của người dịch trong lịch sử nhân loại thực sự xuất hiện. Nhu cầu dịch tăng dần và có xu hướng chuyên nghiệp khi những nền văn minh lớn đầu tiên thế giới xuất hiện từ thời cổ đại, như Hy Lập, La Mã cũng như Ai Cập, Ấn Độ và Trung Quốc. Các nền văn minh đấy đã từng có chữ viết ghi chép lại tác phẩm văn học, lịch sử, triết học và khoa học theo nhiều kiểu khác nhau. Thời đại đó, ở phương Tây văn Hy Lạp được dịch sang tiếng La-tinh, ở phương Đông kinh Phật được dịch từ tiếng Sanskrit sang tiếng Trung v.v. Nhưng một lý luận chung về dịch thuật bấy giờ vẫn chưa hình thành. Dẫu vậy, rãi rác có người bắt đầu suy nghĩ về dịch thuật và phương pháp dịch.
Quan điểm về dịch thuật thời ngay từ thời cổ đại chủ yếu có hai quan điểm đối lập nhau: hoặc ad verbum (sát từ) hoặc ad sensum (sát nghĩa). Phần lớn dịch giả chọn phương pháp dịch ad sensum. Có ba học giả La Mã cổ đại khá nổi tiếng đã nêu quan điểm về dịch thuật là Cicero, Horatius và Hieronymus.
- Cicero – giữ văn phong nguyên bản
Triết gia, nhà hùng biện, chính khách, nhà lý luận chính trị La Mã, Cicero (106 – 43 Trước CN) trong bài tiểu luận De optimo genere oratorum (Nhà hùng biện giởi nhất) đã từng chủ trương phải sử dụng phương pháp mô phỏng (similitudo) khi dịch văn Hy Lạp sang tiếng La-tinh [7].[1] Cicero không phản đối việc dịch “theo nghĩa từng từ một”, tức là dịch sát từ trong một số lĩnh vực như thương mại, luật v.v. Nhưng khi dịch sách triết học, văn học với tư cách là nhà hùng biện và do nguyên tác có tính chất bình luận, giàu phong cách, thì theo ông nên dịch ad sensum, sử dụng tiếng La Tinh mô phỏng phong cách và cách bình luận của người Hy Lạp. Cicero viết:
“Formis tamquam figuris, verbis ad nostram consuetudinem aptis. In quibus non verbum pro verbo necesse habui reddere, sed genus omne verborum vimque servavi” [7, chương 5,14]. (“[Dịch giả] nên dịch cách thức cũng như ngữ hình trong lời nói/ viết [của họ] sao cho phù hợp với phong tục của chúng tôi. Do vậy không dịch theo nghĩa từng từ một, mà dịch để giữ gìn phong cách và ý nghĩa đầy đủ của các từ.”)
- Horatius – đừng dịch theo nghĩa từng từ một
Nhà thơ La Mã Quintus Horatius Flaccus (Horace, 65 – 8 Trước CN) trong bài thơ Ars Poetica – Ad Pisones (“Nghệ Thuật Thi Ca – Gửi nhà Pison, khoảng 15 Trước CN) nêu quan điểm gần giống như Cicero [15]:
nec verbo verbum curabis reddere fidusinterpres, nec desilies imitator in artum,
(“Đừng làm dịch giả trung thực và chuyển từ bằng từ, đừng nhảy xuống vực hẻm hẹp [đó] như người ta.”)
Rõ ràng Horatius khuyên người dịch không nên tự hạn chế mình và đặt mình ở một vị trí khó thoát, không phát huy ngôn ngữ được nữa, do đó không nên dịch theo nghĩa từng từ một. Theo tác giả, về mặt ngôn ngữ, người dịch phải tự giải phóng mình nhằm dịch một cách thoải mái giúp người đọc dễ hiểu.
- Hieronymus – dịch sát nghĩa
Cuối thời cổ đại có Sophronius Eusebius Hieronymus (Thánh Giêrônimô, khoảng 347 - 420) đề cập đến khuynh hướng này. Hieronymus đã dịch bộ Cựu Ước của Kinh Thánh (Vulgata) cũng như nhiều bài triết học từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La-tinh. Trong thư 57, Epistula Ad Pammachium De Optimo Genere Interpretandi (Thử gửi Pammachius: Cách dịch tốt nhất), tác giả khởi xướng một “lý thuyết” dịch thuật nhỏ đầu tiên [13, thư 57]. Trước hết Hieronymus đưa luận điểm cơ bản của lý thuyết này:
“Ego enim non solum fateor, sed libera voce profiteor, me in interpretatione Graecorum, absque Scripturis sanctis, ubi et verborum ordo mysterium est, non verbum e verbo, sed sensum exprimere de sensu” [13, thư 57,5]. (“Tôi công nhận và thành thật thú nhận rằng, khi dịch văn bản tiếng Hy Lạp, trừ trường hợp dịch kinh thánh, vì trong đó thứ tự các từ vốn là bí ẩn, tôi đã không dịch theo nghĩa từng từ một mà dịch cái nghĩa.”)
Để chứng minh luận điểm này, trong phần thư còn lại, Hieronymus không những trích dẫn lời Cicero và Horace như nêu ở trên cũng như một số dịch giả thời cổ đại khác mà còn đưa ra nhiều ví dụ về cách dịch theo quan điểm của ông, nhất là khi dịch Kinh Thánh.
- Thời Cận Đại - Hiện Đại
-
Friedrich Schleiermacher – yếu tố văn hóa trong dịch thuật
Sang thời cận đại, cách suy nghĩ về dịch thuật được mở rộng nhiều. Đáng lưu ý là tiểu luận về dịch thuật của học giả Đức, Friedrich Schleiermacher (1768 – 1834): Über Die Verschiedenen Methoden Des Übersetzens (“Về Các Phương Pháp Dịch Khác Nhau”) [20]. Trong bài này, tác giả phân tích rằng, hai khuynh hướng thời cổ đại không đủ để mô tả hiện tượng dịch thuật. Trừ những trường hợp việc dịch được thực hiện trong một môi trường cố định, phạm vi nhất định với vốn từ có định nghĩa rõ ràng do các bên tham gia thống nhất với nhau như quan hệ thương mại hoặc ngoại giao chẳng hạn, còn có rất nhiều yếu tố khác có ảnh hưởng đến dịch thuật. Đó là dịch tác phẩm văn nghệ thuật và các trường hợp dịch văn bản nghiên cứu khoa học. Các thứ tiếng không những khác nhau về mặt từ vựng, ngữ pháp, cấu trúc câu v.v., mà các yếu tố như văn hóa, xã hội, lịch sử cũng như cá nhân còn tác động mạnh vào cách sử dụng ngôn ngữ [20, tr. 210-213].
Ngoài việc nắm vững ngôn ngữ của tác giả một tác phẩm, người dịch còn phải am hiểu rất kỹ nền văn hóa, xã hội, phong tục, thậm chí tâm lý và cách suy nghĩ của tác giả đó. Theo Schleiermacher những yếu tố đó rất khó dịch, thậm chí không thể nào. Dịch sát nguyên tác với các yếu tố đó thì bản dịch rất là khó đọc. Dịch sao cho người dễ đọc thì sẽ mất đi những điều trên [20, tr. 218]. Xét cho cùng, Schleiermacher chủ trương nên giữ gìn “cái lạ” trong bản dịch, chứ không nên hoàn toàn “địa phương hóa”, tức là Việt Nam hóa, Đức hóa v.v. bản dịch về mặt tư tưởng, văn hóa, phong tục v.v. [20, tr. 228-230].
- Wilhelm von Humboldt – lý thuyết dịch văn ứng dụng
Một trong những người đầu tiên đưa ra một lý thuyết dịch thuật hiện đại là nhà bác học Đức, Wilhelm von Humboldt (1767 – 1835), người sang lập Trường Đại Học Béc-Lin theo mô hình giáo dục nhân văn hiện đại. Von Humboldt đã công bố nhiều công trình nghiên cứu về giáo dục học, văn học, ngôn ngữ học và xã hội học, mà cho đến giờ vẫn có ảnh hưởng tích cực đối với nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, von Humboldt còn là một dịch giả văn học nổi tiếng. Năm 1816 bản dịch bi kịch Agamemnon của Aeschylus, cha đẻ của bi kịch, do von Humboldt dịch sang tiếng Đức, được in và phát hành [14].
Trong lời mở đầu, von Humboldt phác thảo cái cơ bản của một lý thuyết dịch thuật. Lời mở đầu chia ra ba phần:
- Phân tích nguyên bản
Trong phần này, von Humboldt phân tích bi kịch theo phương pháp văn học và ngôn ngữ học, tức là chú là về các mặt bối cảnh lịch sử, giá trị, mỹ học, thể loại, cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ v.v. của tác phẩm [14, tr. IX – XV].
- Nguyên tắc dịch và quá trình dịch
Sau khi von Humboldt phân tích xong, câu đầu tiên trong phần 2., ông viết: “
Ein solches Gedicht ist,…, unübersetzbar”. (“Một bài thơ như thế này, …, không thể nào dịch được.”) [14, tr. XV]. Von Humboldt viết tiếp: “Như tôi nhiều lần phát hiện, và việc phân tích cũng như kinh nghiệm chứng minh điều này, trừ những từ chỉ những thứ vật chất cụ thể, không có từ nào trong một thứ tiếng hoàn toàn đồng nghĩa với chính từ đó ở trong một thứ tiếng khác.” [14, tr. XV]. Mặc dù von Humboldt khẳng định như thế nhưng ông vẫn cho là có cách dịch, vì theo ông dịch văn là công việc quan trọng trong sáng tạo văn học. Văn học dịch mang những kiến thức mới, mở rộng tầm nhìn cho người đọc, thậm chí làm cho cả dân tộc trở thành mạnh mẽ và giàu có hơn. Kể cả ngôn ngữ của một dân tộc khi đọc văn học dịch sẽ trở nên phong phú hơn [14, tr. XVII – XX]. Cũng theo ông, tất cả các thứ tiếng có giá trị như nhau, và có thể qua cách dịch để tìm được tiếng nói chung. Von Humboldt nói:
“Es ist nicht zu kühn zu behaupten, daß in jeder, … (Sprache) sich Alles, das Höchste und Tiefste, Stärkste und Zarteste ausdrücken läßt.” [14, tr. XVII]. (“Tôi không liều khi dám nói rằng, bất cứ thứ tiếng nào,… có cách mô tả tất cả, cái cao cả và cái thấp nhất, cái mạnh nhất và cái dịu dàng nhất.”) Từ đấy, von Humboldt đưa ra một số nguyên tắc cho dịch giả:
- Phải dịch trung thực và thực sự yêu tác phẩm nguyên bản như một người tình [14, XIX-XX]
Trong bản dịch cho phép có những điều hơi mới lạ, dịch giả chỉ nên tránh dịch quá xa lạ và khó đọc. Tuy nhiên người dịch cũng không nên tránh tất cả những điều khác lạ, bất thường khiến cho bản dịch bị đơn giản hóa. Điếu này làm hỏng bản dịch
- Tránh việc dịch sai ngữ pháp hoặc quá mơ hồ [14, tr. XX-XXI]
Dịch giả nên tránh những câu ám chỉ mơ hồ về điều nào đó hoặc các tỉ dụ khó hiểu, khi chính người đọc nguyên bản cũng cảm thấy khó hiểu. Ngoài ra, dịch giả phải sử dụng đúng ngữ pháp của ngôn ngữ người dịch, chứ không nên sử dụng ngữ pháp của ngôn ngữ nguyên bản trong nguyên tác.
- Tìm trợ giúp [14, tr. XXI-XXII]
Trong quá trình dịch hoặc đã dịch xong, dịch giả nên tham khảo thêm sự góp ý của người có sự hiểu biết về nguyên tác và bối cảnh của nó. Đồng thời nên phải tham khảo những bản dịch đã từng có để so sánh giúp cho bản dịch tránh được những sơ suất không đáng có.
- Dịch đúng thể loại văn và theo hình thức trình bày của nguyên tác [14, tr. XXII-XXIII]
- Một tác phẩm văn học cần được dịch lại nhiều lần [14, tr. XXIV]
Ngôn ngữ luôn luôn ở trạng thái vận động, cho nên trãi qua thời gian và lịch sử, luôn luôn phải có các bản dịch mới đối với một tác phẩm văn học nào đó. Điều này giúp người dịch cũng như người đọc hiểu sâu hơn tác phẩm văn học được dịch.
- Cách dịch [14, tr. XXIV-XXXVII]
Trong phần này von Humboldt nêu ra rất nhiều ví dụ về những khó khăn cụ thể ông đã gặp trong quá trình dịch
Agamemnon, và cách giải quyết, biện hộ các quyết định dịch của mình.
- Walter Benjamin – cơ sở triết học cho việc dịch văn học
Trong khi các tác giả ở trên từ góc độ thực tiễn dịch thuật dần dần đưa ra những ý kiến và lý thuyết về dịch thuật những mãi đến đầu thế kỷ XIX chưa có ai đưa ra một cơ sở triết học cho việc dịch thuật, chưa chỉ ra khía cạnh siêu hình học của văn học dịch. Khiếm khuyết này đã được khắc phục bởi nhà triết học, nhà phê bình văn học và dịch giả Đức, Walter Benjamin (1892 – 1940). Đối với Benjamin, bất cứ văn bản nào cũng có thể được dịch sang một thứ tiếng khác, trừ trường hợp không có dịch giả có khả năng dịch văn bản đó. Mỗi một văn bản, nhất là mỗi một tác phẩm văn học, có hai đặc trưng: hình thức và bản chất riêng. Cho nên dịch được nó cũng có thể tạo ra hình thức và bản chất mới. Dù bản chất dịch bản và nguyên tác là khác nhau, nhưng trong bản dịch yêu cầu phải chứa một phần bản chất của nguyên tác. Một tác phẩm văn học là một nguyên bản và bản dịch tác phẩm đó cũng được xem là một nguyên bản. Điều quan trọng là bản dịch của một tác phẩm văn học đảm bảo sự sống tiếp của chính tác phẩm văn học đó [9, tr. 9-11]. Nhiệm vụ của nhà triết học là nhận ra và hiểu rõ về đời sống trong bối cảnh lịch sử của tác phẩm, cho nên theo Benjamin, nhà triết học cũng như dịch giả văn học đòi hỏi phải nhận ra đời sống của một tác phẩm văn học để dịch tác phẩm đó một cách cẩn thận sang từ tiếng khác theo sự hiểu biết của mình. Qua việc từ thế hệ này đến thế hệ khác liên tục có người dịch tác phẩm đó, thì tác phẩm không những sống tiếp mà bản chất của tác phẩm còn được mở rộng và nâng cao [9, tr. 12].
Tất cả các thứ tiếng có một mối quan hệ nội tại với nhau. Như con người, các ngôn ngữ cũng có đời sống riêng, vì vậy nó luôn luôn vận động và thay đổi. “Từ nào trước kia là mới là ‘tươi’, hiện nay có thể là cũ, là ‘già’. Cách nói nào ngày xưa là thông dụng, hiện nay nghe rất cũ kỹ.” [9, tr. 13]. Vì các thứ tiếng có “quan hệ họ hàng vượt lịch sử” (überhistorische Verwandtschaft), cho nên những ý khác nhau trong các ngôn ngữ bổ sung lẫn nhau với mục đích phát triển thành “ngôn ngữ thuần túy” (die reine Sprache). Việc dịch văn là một trong những phương tiện hướng tới mục đích reine Sprache đó, dù mục đích này là một lý tưởng. Mục đích của sự nỗ lực dẫn đến die reine Sprache, nhằm làm cho nhân loại ngày càng hiểu nhau tốt hơn [9, tr. 13].
Một trong những quy luật cơ bản của triết học ngôn ngữ là: “Trong khi rõ ràng các bộ phận, các từ, câu, quan hệ ngữ cảnh của hai thứ tiếng là khác hẳn, thì về mặt ý định hai thứ tiếng đó bổ sung lẫn nhau.” [9, tr. 14]. Khi hai người thuộc ha ngôn ngữ khác khác nhau nói ra một từ, thì ý muốn nói có thể là giống nhau, nhưng ý định lẫn ý nghĩ của hai người đó vẫn khác nhau. Nhờ việc dịch thuật hai ý định, hai ý nghĩ có thể bổ sung lẫn nhau trong bản dịch giúp người đọc nắm được cả hai. Đây gọi là sự phát triển và sống tiếp, thậm chí là sống lại, của các thứ tiếng. Vì vậy bản dịch làm phong phú lên nội dung của nguyên tác [9, tr. 14-15].
Nhìn từ góc độ này, nhiệm vụ của dịch giả và tác giả của một tác phẩm văn học hoàn toàn khác nhau, tác giả cuốn sách trừu tượng hóa những điều được quan sát chuyển thành văn, thành thơ. Còn dịch giả mò ra ý định của nguyên tác và dịch ý định đó sang một thứ tiếng khác. Nói cách khác, trong ngôn ngữ nhân loại có cái sự thật bí ẩn của đời sống, thì trong văn cái sự thật đó, là cái ngôn ngữ thật (die wahre Sprache) được giấu chính trong chiều sâu của bản dịch cũng chứa cái sự thật đó, qua ngôn ngữ thật độc giả có thể tiếp cận với cái sự thật đó. Nhiệm vụ của nhà triết học là tìm và giải thích cái sự thật. Thông qua việc dịch thuật, nhân loại có thể biết được thêm về cái sự thật và ngôn ngữ thật của nó, thì dịch thuật quả thật là triết học [9, tr. 16].
Dù việc dịch ra toàn bộ ý muốn nói của một nguyên tác là điều khó có thể làm được. Nhưng bằng cách vừa trung thực vừa tự do của dịch giả, cái ý định của nguyên tác vẫn được thể hiện trong bản dịch [9, tr. 18]. Sức mạnh và nhiệm vụ của dịch giả là trung thực với nguyên tác, và lấy cái tự do trong dịch thuật để làm cái được tương trưng trong nguyên tác biến thành sự tương trưng trong bản dịch, khiến người đọc có thể tiếp cận được với nó. Chính điều này làm phong phú và sâu sắc thêm ngôn ngữ của bản dịch, mở rộng cái ranh giới của ngôn ngữ đó cũng như tư tưởng của người đọc [9, tr. 19-20].
- Koller, Kubin, Kloepfer, Lévy – dịch thuật học hiện đại
Lý thuyết dịch thuật và ứng dụng phương pháp phê bình dịch hiện nay dựa trên cơ sở những nghiên cứu cơ bản thời cổ đại, như Cicero, Horatius v.v., cận đại như Schleiermacher và von Humboldt… Tuy nhiên gần đây, một số nhà khoa học đã củng cố lý thuyết dịch thuật và phê bình dịch. Trong đó kề đến R. Kloepfer[2] và J. Lévy[3], Werner Koller [17] và Wolfgang Kubin [18]. Trong số đó Werner Koller, người vẫn được coi là cha đẻ của môn dịch thuật học tại Đức, và Wolfgang Kubin, là triết gia, nhà Hán học và dịch giả văn học, đóng góp nhiều cho việc phát triển bô môn này.
Nhìn chung, các dịch giả thống nhất về quan điểm văn học dịch cần một lý thuyết làm cơ sở cho việc nghiên cứu, thực tiễn và đánh giá. Dịch văn bản phi nghệ thuật khác dịch văn nghề thuật. Trong khi dịch văn bản phi văn học được xem là một nghề thủ công, thì dịch văn nghệ thuật cần tay nghề cao dựa vào cơ sở thực tiễn [17, tr. 70; 18, tr. 7-8].
Hiện nay có bốn loại lý thuyết / phương pháp dịch văn:
- Dịch ngôn ngữ thần thánh sang ngôn ngữ loài người
- Dịch theo nghĩa từng từ một
- Dịch tự do
- Dịch trung thực
Việc dịch ngôn ngữ thần linh thành ngôn ngữ loài người thuộc lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng cho nên không được áp dụng đối với việc dịch văn. Phương pháp dịch theo nghĩa từng từ một là phương pháp đã từng được áp dụng đầu thời cổ đại, không có cơ sở lý thuyết khoa học. Hiện nay hầu như không ai sử dụng phương pháp đó nữa. Dịch tự do là phương pháp được áp dụng trong thời cổ đại để dịch văn Hy Lạp sang tiếng La Tinh. Cicero và Horartius đã sử dụng thành công phương pháp này. Riêng dịch trung thực có cơ sở lý thuyết từ thề kỳ 19 trở đi (Schleiermacher, Humboldt) và hiện nay được áp dụng rộng rãi và đang được nghiên cứu thêm [17, tr. 71].
Theo lý thuyết trung thực, người dịch nên phải tìm sự cân bằng ngay ở giữa hai bên “lạ hóa”, tức dịch sát từ (ad verbum) của nguyên tác kể cả về mặt ngữ pháp, và “địa phương hóa”, tức “sát nghĩa (ad sensum), như Việt Nam hóa hoặc Đức hóa nguyên tác trong bản dịch. Vì cả hai thứ không thể nào thực hiện được, cho nên dịch văn là tái sáng tạo một tác phẩm văn học trong một ngôn ngữ khác. Dịch giả văn học vì vậy trở thành tác giả của tác giả [17, tr. 72; 6, tr. 133; 18, tr. 35].
Trong khi Kloepfer chủ trương chủ yếu sử dụng lý thuyết và phương pháp nghiên cứu văn học để áp dụng vào thực tiễn việc dịch văn, thì Levy chủ trương nên sử dụng phương pháp phân tích văn bản dưới góc độ ngôn ngữ học kết hợp với phương pháp nghiên cứu văn học [18, tr. 72-75].
Trong phần cơ sở lý luận ở trên, tác giả nêu bốn nguyên tác đối với khả năng và kỹ năng của dịch giả văn học. Đó là: lý luận văn học, ngôn ngữ học và lý luận dịch thuật, cách sử dụng công cụ. Trong đó hiểu biết về văn hóa không chỉ là hiểu biết về nền văn hóa, lịch sử, phong tục v.v. của tác giả nguyên tác mà còn bao gồm sử hiểu biết sâu về nền văn minh của chính người dịch. Kubin nhấn mạnh điều này và đặt các câu hỏi đối với dịch giả người Đức khi muốn dịch từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Đức như sau: Anh (chị) học tiếng Hoa giỏi. Nhưng, anh (chị) nắm vững văn hóa của người Đức không? Anh (chị) nắm vững lịch sử Châu Âu và nước Đức không? Anh (chị) giỏi ngữ pháp tiếng Đức không? [18, tr. 139].
Đối với dịch giả văn học Việt Nam ta có thể thay từ Đức và Châu Âu bằng từ Việt Nam trong các câu hỏi của Wolfgang Kubin và đặt câu hỏi lại. Ai muốn dịch văn nước ngoài sang tiếng Việt thì phải khẳng định được tính tích cực các câu hỏi đó trước khi bắt đầu dịch.
Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều người dịch sách nước ngoài, nhất là của Mỹ, Anh, sang tiếng Việt, trong đó có sách văn học. Gần như mỗi lần khi lên nhà sách đọc thử một tác phẩm dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, tác giả bài này cảm thấy thất vọng. Không những có vài chỗ dịch sai nghĩa, mà ngữ pháp tiếng Việt quá sai. Có thể dịch sai nghĩa một vài chỗ mà không ảnh hưởng đến logic của cốt truyện thì không sao. Nhưng tiếng Việt không ra tiếng Việt là một sai lầm khó chấp nhận được.
Thấm nhuần tư tưởng này, một số dịch giả đã nêu lên những nguyên tắc, như Birkenhauer [10, tr. 9]:
Dịch giả văn học phải:
- Chỉ nên dịch sang một thứ tiếng mà dịch giả nắm vững chắc.
- Không nên dịch sang một thứ tiếng mà không phải là tiếng mẹ đẻ của mình, trừ trường hợp đó là một thứ tiếng dịch giả nắm vững gần như tiếng mẹ đẻ.
- Không được phép cố ý thay đổi ý nghĩa của tác giả.
- Không được phép bỏ bớt hoặc bổ sung phần nào trong bản dịch khi điều đó có ảnh hưởng lớn đến tác phẩm.
- Không nên dịch từ bản dịch, mà luôn luôn dịch từ nguyên bản.
- Không nên chép từ một bản dịch có sẵn.
- Không nên dịch một tác phẩm ca ngợi chiến tranh hoặc phân biệt chủng tộc.
Kết Luận Phần Lý Thuyết
Từ các luận chứng, luận cứ như trên có thể nói: Từ thời cổ đại, dịch thuật học trong lĩnh vực văn học đã dần hình thành một khoa học có cơ sở lý thuyết riêng. Đến nay nó đã trưởng thành và được xem là một khoa học thực thụ. Trong cơ cấu chương trình đại học nó được xem là một bộ môn khoa học. Theo đó, bộ môn dịch thuật học nói chung và dịch thuật học văn học nói riêng được xây dựng trên nền tảng của các môn lý luận văn học hoặc môn khác: ngôn ngữ học, lý luận dịch thuật học, văn hóa học. Ngoài ra, để đáp ứng công tác dịch thuật, đòi hỏi người dịch phải có ít nhất hai ngoại ngữ cũng như kỹ năng sử dụng công cụ để dịch.
Mặc dù trước bối cảnh toàn cầu hóa, dịch thuật học ngày càng đòi hỏi nhu cầu trao đổi các nền văn hóa, không những trong lĩnh vực hẹp như thương mại mà còn trong lĩnh vực văn hóa, khoa học mênh mông. Hiện nay theo Routledge Encyclopedia Of Translation Studies và thông tin trên trang http://www.betranslated.com/translation-schools.html số trường dạy dịch thuật học với tư cách là bộ môn cấp đại học đã khá phổ biến như: Đức 11 trường, Áo 3 trường, Anh 15 trường, Mỹ 17, Pháp 4 trường, Canađa 12 trường., Trung Quốc 4 trường, Bỉ 7 trường, Ý 10 trường, Hà Lan 8 trường, Ba Lan 5 trường. Ở Việt Nam một số trường Đại Học có bộ môn dịch thuật học như các trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn, Nha Trang, Đại Học Quốc Gia TP. HCN... Bộ môn nay đáng được quan tâm nhiều hơn, nhất là trước bối cảnh khuynh hướng phát triển của thế giới.
Tài Liệu Tham Khảo
Sách Tiếng Việt
- Nguyễn Duy (Chủ biên) (2005), Thơ Thiên Lý Trần. NXB Văn Hóa Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên) (1977, 1978), Thơ Văn Lý Trần, Tập I, II, III. Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam. Viện Văn Học. NXB Khoa Học Xã Hộ, Hà Nội 1977, 1978.
- Phạm Quốc Lộc (2012), Dịch Và Đại Tự Sự. Trên: Phê Bình Văn Học. Literary Criticism Online. http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=576.
- Phạm Quốc Lộc và Lê Nguyên Long (2012), Dịch Và Lý Thuyết Dịch Như Là một Hệ Hình Lý Luận, Phê Bình Mới Cho Việt Nam. Trên: Phê Bình Văn Học. Literary Criticism Online. http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=353.
- Nguyễn Thị Minh Thương (2012), Lý Luận Dịch Thuật Hậu Thực Dân. Trên: Phê Bình Văn Học. Literary Criticism Online. http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=2698.
- Thúy Toàn (2009), Những Con Đường. Dịch Văn Học – Văn Học Dịch. NXB Văn Học, Hà Nội.
Sách Ngoại Văn
- Cicero (46 tr. CN), De optimo genere oratorum. (Nhà hùng biện giởi nhất).Trong: Wilkons, A.S. (19031, 19789), M. Tulli Ciceronis Rhetorica. Vol. 2, Oxford. (Rhetorica của M. Tulli Cicero.)
- Baker, Monica (Chủ Biên) (2001), Routledge Encyclopedia Of Translation Studies. Routledge, London, New York.
- Benjamin, Walter (1923), Die Aufgabe des Übersetzers.In: ders. 1972), Gesammelte Schriften Bd. IV/1, S. 9 – 21. (Nhiệm vụ của dịch giả).
- Birkenhauer, Klaus (1987), Die Moral des Übersetzers. In: Der Übersetzer (hrsg. von Straelen), 23. Jahrgang, Nr. 3-4. (Đạo Đức Của Người Dịch).
- Bringmann, Klaus (1971), Untersuchungen zum späten Cicero. Vandenhoeck & Ruprecht, Göttingen. (Nghiên cứu phần cuối đời của Cicero).
- Gerke, Frank (Hg.) (2013). Der Körper des Menschen gleicht einem Blitz. Zen-Gedichte und –Weissheiten aus Vietnam. edition pen Bd 7. Löcker Verlag, Wien. (Thân Như Điện Ảnh. Thơ Thiền Việt Nam).
- Hieronymus (395), Epistula Ad Pammachium De Optimo Genere Interpretandi. (Thử gửi Pammachius: Cách dịch tốt nhất). In: Migne, P. (1859), Patrologia Latina, Vol. 22, Paris.
- von Humboldt. Wilhelm (1816), Aeschylus Agamemnon Metrisch Übersetzt von Alexander von Humboldt. Gerhard Fleischer Dem Jüngeren, Leipzig. (Agamemnon của Aeschylus dịch theo Luật Thơ Bởi Vi Alexander von Humboldt).
- Q. Horatius Flacci (19 tr. CN), De Arte Poetica. Epistola ad Pisones. (Nghệ Thuật Thi Ca. Thư Gửi Nhà Pisos). In: Colman, George (1783), The Art of Poetry. An Epistle To The Pisos. T. Cadell, in the Strand, London.
- Kloepfer, R (1967), Die Theorie der literarischen Übersetzung. Romanisch-deutscher Sprachbereich, München. (Lý Thuyết Dịch Văn).
- Koller, Werner (1987, Einführung in die Übersetzungswissenschaft. Quelle & Meyer, Heidelberg, Wiesbaden. (Dịch thuật học nhập môn).
- Kubin, Wolfgang (2001), Die Stimme des Schattens. Kunst und Handwerks des Übrsetzens. Edition global, München. (Tiếng nói của bóng tối. Nghệ thuật và nghề thủ công của dịch thuật).
- Lévy, J. (1969), Die literarische Übersetzung. Theorie und Kunstgattung, Frankfurt a.N., Bonn. (Văn học dịch. Lý thuyết và Nghệ thuật).
- Schleiermacher, Friedrich (1883), Über Die Verschiedenen Methoden Des Übersetzens (Về Các Phương Pháp Dịch Khác Nhau). In: Friedrich Schleiermacher’s sämmtliche Werke. 3. Abteilung. Zur Philosophie. 2. Band. G. Reimer, Berlin. (Toàn Tập Friedrich Schleiermacher. Phần 3. Về Triết Học. Tập II).
(Còn nữa)
Tạp Chí Khoa Học Trường Đại Học Văn Hiến, 2014
[1] Một số học giả cho rằng tác giả của De optimo gehere oratorum không phải là Cicero. Xin xem: Klaus Bringmann 1971), Untersuchungen zum späten Cicero. Vandenhoeck & Ruprecht, Göttingen, Exkurs I: Zur Frage der Echtheit von De optimo genere oratorum, S. 256ff. (Nghiên cứu phần cuối đời của Cicero, Phụ Lục: Về vấn đề tính xác thực của De optimo genere oratium, tr. 256 v.v.).
[2] Kloepfer, R. Die Theorie der literarischen Übersetzung. Romanisch-deutscher Sprachbereich, München 1967. (Lý Thuyết Dịch Văn.)
[3] Lévy, J. Die literarische Übersetzung. Theorie und Kunstgattung, Frankfurt a.N., Bonn 1969. (Văn học dịch. Lý thuyết và Nghệ thuật.)
TS. Frank Gerke