Cuối tháng 7 năm 1997, khi đang đi công tác ở Hà Nội, tôi nhận được điện thoại của Giáo sư Nguyễn Lộc thông báo rằng mấy ngày trước đó, Thủ Tướng Chính Phủ đã ký quyết định cho phép thành lập trường đại học dân lập Văn Hiến.
Cũng ngay hôm đó, ông hoan hỷ mời tôi tham gia giảng dạy tại trường, đáp lại, tôi đã hăng hái nhận lời dù biết rất rõ trường vẫn chưa chính thức khai giảng và cơ sở vật chất của trường lúc ấy hầu như chưa có gì. Từ ấy tới nay, gần trọn 16 năm đã trôi qua.
Trong khóa đào tạo đầu tiên (1999-2003), tôi có may mắn được giảng bài cho sinh viên tất cả các khoa của đại học Văn Hiến, sau đó vì trường lớn mạnh quá nhanh, sinh viên một số khoa mới thành lập không phải học các môn của tôi, cho nên tôi chỉ giảng bài cho sinh viên 5 khoa (Du Lịch, Tâm lý, Ngữ văn, Văn hóa và Xã hội học). Gần đây do tuổi đã cao lại còn được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Việt Nam Học của trường đại học Bình Dương, tôi chỉ nhận giảng bài cho sinh viên một khoa duy nhất là Du Lịch. Nói khác hơn, tôi là một trong những nhà giáo đã có quá trình gắn bó với khoa Du Lịch trường đại học Văn Hiến từ ngày thành lập đến nay.
Tương tự như nhiều đồng nghiệp khác, tính ra tôi từng được mời đến tham gia giảng dạy ở hơn 10 trường đại học khác nhau nên dù muốn hay không, xu hướng so sánh tình hình chung của các trường vẫn cứ liên tục diễn ra. Ngay từ đầu, ấn tượng của tôi về khoa Du Lịch đại học Văn Hiến là rất tốt đẹp. Ở đó, chương trình và kế họach đào tạo rất chặt chẽ. Thú thực, nếu thiếu điều kiện vô cùng quan trọng này, tôi sẽ là người đầu tiên từ chối tham gia đào tạo như đã từng làm đối với ít nhất là hai trường. Ở đó, cách tuyển lựa để mời giảng viên được tính toán cẩn trọng và việc phân công giờ giảng được tiến hành rất hợp lý. Ở đó, lãnh đạo và tất cả cán bộ của khoa có phong thái làm việc lịch lãm và giàu tính chuyên nghiệp, khiến cho đội ngũ giảng viên thỉnh giảng luôn cảm thấy hài lòng. Ở đó, việc tổ chức và quản lý học tập đối với sinh viên vừa phong phú về hình thức, vừa sinh động về nội dung và bao trùm lên tất cả là rất có hiệu quả. Chính bản thân tôi đã nghiêm túc học tập kinh nghiệm từ khoa Du Lịch đại học Văn Hiến để áp dụng cho quá trình quản lý khoa Việt Nam Học của mình.
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần (áo xanh) làm BGK trong Hội thi Thuyết trình của Khoa Du lịch năm 2012
Bởi lý do công việc nên liên tục trong nhiều năm qua, tôi có dịp đến với các địa phương ở khắp cả nước và khá nhiều quốc gia tại các châu lục khác. Ai thường đi với tôi cũng đều ngơ ngác vì hễ vào tới các nhà khách của Tỉnh Ủy hoặc Ủy Ban Tỉnh, tới những khách sạn, nhà hàng lớn hay khu di tích văn hóa…lại thấy vài cán bộ rất trẻ tới lễ phép thưa : “Con chào Thầy Thuần ạ, Con là cựu sinh viên Du Lịch Văn Hiến đây ạ”. Họ luôn nhắc tới khoa Du Lịch Văn Hiến với niềm tự hào thực sự của mình. Đó chính là phần thưởng lớn nhất dành cho tất cả những ai từng có cơ may được làm việc tại đây. Giờ đây, nhiều sinh viên đã trở thành những hướng dẫn viên giỏi, những cán bộ quản lý giỏi, uy tín của họ đã vượt ra ngoài sự mong đợi bình thường. Có lần, tôi đang đi quan sát một Walmart tại Seattle (Washington, USA). Giữa dòng người đông đúc, bỗng có hai thanh niên lịch lãm ngả mũ thưa : “Con chào Thầy Thuần ạ, Con là cựu sinh viên Du Lịch Văn Hiến đây ạ”. Bắt tay họ, lòng tôi tràn đầy hạnh phúc. Du Lịch Văn Hiến là đây, kết quả tốt đẹp chung của các nhà quản lý và nhà giáo giàu tâm huyết là đây.
Cuối tháng 11 năm 2012, sau khi dự Hội thảo quốc tế về Việt Nam Học lần thứ IV, tôi cùng nhà tôi bay thẳng tới Quy Nhơn để giảng bài cho các Bác sĩ Nhãn khoa của hai tỉnh Bình Định và Phú Yên tổ chức tại thành phố Quy Nhơn. Trên chuyến bay đó, một thanh niên rất trẻ hồ hởi đến chào và tự giới thiệu:
- Con chào Thầy Cô ạ, Con là Nguyễn Sĩ Quỳnh, cựu sinh viên Du Lịch Văn Hiến.
Sau vài câu chuyện trò rôm rả, Nguyễn Sĩ Quỳnh tha thiết mời chúng tôi về nghỉ tại khách sạn Mường Thanh. Đó là một khách sạn 4 sao vừa mới khánh thành, ở cách Bệnh viện mắt Bình Định (là nơi chúng tôi giảng bài) chừng vài trăm mét. Thấy như thế là quá thuận lợi, chúng tôi đồng ý về Mường Thanh nghỉ và khi tới nơi mới biết Nguyễn Sĩ Quỳnh (khóa 2004-2008), bây giờ đã là Thạc sĩ, Giám Đốc của khách sạn Mường Thanh. Nguyễn Sĩ Quỳnh có xe hơi riêng, trước đó mấy ngày, tự lái xe hơi ra sân bay Phù Cát, gửi xe ở đấy để đi Hà Nội, khi nghe Thầy Cô đồng ý sẽ về nghỉ ở khách sạn Mường Thanh, vui quá, cùng lên Taxi về với Thầy Cô, quên cả xe hơi còn đang gửi tại sân bay Phù Cát, hôm sau phải thuê Taxi chạy ngược trở lại mấy chục cây số để lấy xe về. Nhân có đoàn sinh viên khoa Việt Nam Học chúng tôi đang trên đường đi xuyên Việt và tối đó đang nghỉ tại Quy Nhơn, tôi tranh thủ tổ chức một cuộc giao lưu nhỏ giữa sinh viên của chúng tôi với Nguyễn Sĩ Quỳnh và dù chỉ trong một thời gian rất ngắn, Nguyễn Sĩ Quỳnh cũng đã tạo được ấn tượng thật sâu sắc.
Trên đây chỉ là một trong vô số những mẩu chuyện phản ánh cảm tình nồng hậu của sinh viên khoa Du Lịch Văn Hiến đối với nơi họ học tập và trưởng thành. Giờ đây, tuổi tác và sức khỏe không cho phép tôi có thể tiếp tục tham gia giảng dạy nhiều như trước nữa, nhưng từ sâu thẳm cõi lòng, tôi vẫn luôn dành cho khoa Du Lịch đại học Văn Hiến những tình cảm nồng nàn vì đó là một bộ phận cấu thành của hạnh phúc nghề nghiệp thiêng liêng.
Nguyễn Khắc Thuần